Nhạc sĩ Tiến Hùng - Lan toả tình yêu với Hà Nội qua âm nhạc
Sinh ra và lớn lên tại vùng ngoại ô Hà Nội, nhạc sĩ Tiến Hùng, giáo viên Trường Tiểu học Tân Lập A, huyện Đan Phượng, Hà Nội, có một tình yêu lớn với Thủ đô. Vậy nên khi trở thành một thầy giáo dạy nhạc, một nhạc sĩ, anh đã ấp ủ, thai nghén nhiều ca khúc tình cảm, da diết về mảnh đất nghìn năm văn hiến.
Tác giả của nhiều ca khúc về thiếu nhi
Nhạc sĩ Tiến Hùng (tên đầy đủ là Nguyễn Tiến Hùng) sinh ra và lớn lên trong một gia đình có cha mẹ làm nông nghiệp tại xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Dù gia đình không có ai theo con đường nghệ thuật nhưng ngay từ nhỏ anh đã thích nghe chương trình ngâm thơ, hát chèo trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và anh quyết tâm theo đuổi con đường âm nhạc.
Điều thú vị là anh đến với âm nhạc từ một ca sĩ nhí, với nhiều năm liền tham gia lớp học hát của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tình yêu và niềm đam mê dẫn lối đã đưa anh đến Khoa Sư phạm âm nhạc, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Môi trường âm nhạc chuyên nghiệp đã giúp những giai điệu trong anh được thăng hoa, bay bổng hơn. Năm 2000, anh đã có sáng tác đầu tay “Hoài niệm tình đầu” và chỉ sau đó hai năm, anh đã được nhà trường đồng ý cho tổ chức đêm nhạc riêng của mình với tên gọi “Tiến Hùng với những tình khúc sáng tác”.
nhac si
Nhạc sĩ Tiến Hùng là người tình cảm, luôn nặng lòng với quê hương, đất nước.
Với tinh thần cầu thị, luôn muốn trau dồi, học hỏi kiến thức từ thầy cô, bạn bè nên sau khi ra trường rồi đi dạy, anh tiếp tục theo học Khoa Sư phạm âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Công việc thường ngày là một thầy giáo dạy nhạc, được tiếp xúc với các em nhỏ khiến cảm xúc trong anh được nuôi dưỡng, bởi thế anh đã sáng tác nhiều ca khúc về thiếu nhi với tình yêu, với ngành giáo dục, như: “Chú gà gọi xuân”, “Tây Tiến Trường em” (hai ca khúc phổ thơ Bảo Ngọc), “Khúc ca trường Tân Lập A”, “Khúc ca của chúng tôi”, “Đan Phượng Giáo dục vàng son” (lời thơ Nguyễn Xuân Cửu), “Khóa 1991-1994 Lê Hồng Phong” (Lời Thượng tá Nguyễn Hồng Hạnh), “Nghe ông kể chuyện Điện Biên” (phỏng thơ Nguyễn Thành Long), đặc biệt là bài hát “Tắm mưa” mang đậm chất dân gian đương đại.
Dạt dào tình yêu quê hương
Tiến Hùng là người tình cảm, luôn nặng lòng với quê hương và dòng tộc. Anh đi nhiều, biết rộng và vận dụng khá đa dạng âm nhạc của các vùng miền. Ca từ trong ca khúc của anh gần gũi, dễ thuộc, dễ nhớ, đậm chất dân gian. Anh luôn quan niệm đã sáng tác thì tác phẩm đó phải có tính nhạc cao, giai điệu đẹp, có nét đặc trưng về âm hình tiết tấu chủ đạo, khúc triết về câu nhạc, đoạn nhạc, ca từ không dông dài, tào phào. Đặc biệt, lời thơ phải có chất văn học, có ý nghĩa thâm thúy, sâu sắc.
Anh sáng tác về nhiều miền quê nhưng miền quê Đan Phượng, mảnh đất Hà Nội chiếm số lượng đáng kể, như: “Đan Phượng yêu thương” (phỏng thơ Nguyễn Xuân Cửu), “Đan Phượng quê hương anh hùng”, trong đó, bài hát “Tân Hội” (phỏng thơ Nguyễn Danh Điều) sáng tác về quê hương anh được bà con trong xã đánh giá là ca khúc đã bao trọn cả nỗi niềm, tình yêu đất và người nơi đây. Ngoài ra, các ca khúc “Xuân Đỉnh vang mãi bài ca”, “Cơn say” đã đạt giải thưởng âm nhạc của Hội Âm nhạc Hà Nội năm 2017; ca khúc “Bắc Từ Liêm ngày mới” đoạt Giải Khuyến khích trong Cuộc thi sáng tác ca khúc chào mừng 10 năm ngày thành lập Quận Bắc Từ Liêm.
Ca khúc “Hà Nội thu về” (phỏng thơ Mai Khoa) đã được Nhà xuất bản Âm nhạc tuyển trọn trong tập “1.000 ca khúc Thăng Long Hà Nội” phát hành năm 2010 trong dịp Đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội. Đặc biệt ca khúc “Xem hội múa bồng” (phỏng thơ Nguyễn Trọng Văn) mang âm hưởng dân gian đương đại, viết về điệu múa “Con đĩ đánh bồng” ở làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Bài hát có cái “tưng tửng, lả lơi” về giai điệu, tiết tấu lẫn ca từ và đã được nhiều ca sĩ thể hiện trong các cuộc thi giọng hát của Thành phố Hà Nội.
Tích cực quảng bá tác phẩm
Sáng tác là phải biết quảng bá tác phẩm của mình, nghĩ vậy, anh đã lập trang web để quảng bá các tác phẩm của mình đến với công chúng từ cách đây 9 năm. Anh cũng tận dụng tối đa Facebook, Youtube… để giới thiệu đến mọi người những sáng tác của mình. “Công việc quảng bá chính là bước thứ hai sau khi sáng tác ca khúc. Tôi nghĩ, một ca khúc mà chỉ để trong ngăn kéo thì ca khúc ấy là ca khúc “chết”, anh tâm sự.
Nhạc sĩ Lê Mây, tác giả ca khúc “Hà Nội linh thiêng, hào hoa” nhận xét: “Tiến Hùng là một trường hợp đặc biệt của Hội Âm nhạc Hà Nội cũng như Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Anh xuất thân là người thầy giáo dạy nhạc nhưng lại sáng tác khá đa dạng. Những sáng tác của anh rất sinh động, lãng mạn mang đầy hoài niệm, tình yêu với quê hương, đất nước. Quê hương bên dòng sông Hồng, sông Đáy, với những triền đê, bãi cỏ xanh mướt đã đi vào trong âm nhạc của anh một cách nhẹ nhàng, sâu lắng. Âm nhạc của Tiến Hùng luôn thấm đẫm chất dân gian”.
Bài, ảnh: THÙY LINH
Nguồn báo Quân đội Nhân dân
|
||
|
||
Các bài viết khác...
|
||
Trang 1 trong tổng số 2 |